Những điều mẹ cần biết khi bé bị nôn
Bác sĩ Nguyễn Thị Khánh Linh, Khoa Y – Trường Đại học Duy Tân
------------------------------------------------------------------------
Nôn là một phản ứng có lợi cho cơ thể để loại bỏ các chất có hại ra khỏi cơ thể. Tuy nhiên, mẹ lưu ý các loại thuốc hay phương pháp gây nôn ( ví dụ xi rô ipecac, đặt ngón tay vào cổ họng..) không còn được khuyến cáo, ngay cả khi bé uống một chất có hại, trong trường hợp này cần gọi cấp cứu để đưa bé đến cơ sở y tế nhanh nhất có thể.[1]
Nguyên nhân[3]
Nôn có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau, các nguyên nhân nôn phụ thuộc vào tuổi của bé.
Ở những bé sơ sinh và bé nhỏ (từ 0 đến 3 tháng tuổi), nôn nhiều và nặng thì có thể bé đang gặp một vấn đề nghiêm trọng, nguyên nhân tiềm ẩn có thể là tắc nghẽn hoặc hẹp dạ dày (hẹp môn vị) hoặc tắc nghẽn ruột (tắc ruột). Bé sơ sinh bị nôn cũng có thể vì nhiễm trùng ruột hoặc cơ quan khác của cơ thể. Bất kỳ lúc nào nhiệt độ cơ thể bé trên 38oC, có hoặc không có nôn thì mẹ cần đưa bé đến cơ sở y tế.
Ở bé lớn – nguyên nhân gây nôn phổ biến nhất ở bé là viêm dạ dày ruột truyền nhiễm, thường do virus gây ra. Nôn do viêm dạ dày- ruột thường bắt đầu đột ngột và khỏi nhanh, thường trong vòng 24 đến 48 giờ. Các dấu hiệu khác của viêm dạ dày ruột có thể bao gồm: buồn nôn, tiêu chảy, sốt hoặc đau bụng. Viêm dạ dày ruột có thể phát triển sau khi bé ăn phải thực phẩm bị nhiễm virus hoặc bé đưa một vật (tay hoặc đồ chơi) bị nhiễm vào miệng. Các loại virus thường gây viêm dạ dày ruột và lây lan dễ dàng. Vệ sinh cẩn thận (đặt biệt là rửa tay) và tiêm vắc xin cho bé có thể ngăn ngừa các bệnh nhiễm trùng này lây lan.
Ít phổ biến hơn, nguyên nhân gây nôn ở bé xảy ra sau khi ăn phải thức ăn bảo quản hoặc chế biến không đúng cách có chứa vi khuẩn hoặc độc tố gây bệnh, đây được gọi là ngộ độc thực phẩm.
Các bệnh khác cũng có thể gây nôn ở bé, bao gồm: trào ngược dạ dày, bệnh loét dạ dày, tắc ruột, hội chứng nôn chu kỳ, nhiễm trùng đường hô hấp và đường tiết niệu, và các bệnh khác.
Hầu hết bé bị nôn thì không cần phải đến cơ sở y tế. Tuy nhiên, mẹ nên theo dõi các dấu hiệu của bé nếu tình trạng nôn của bé trở nên nặng hơn hoặc không khá hơn trong vòng 24 giờ thì nên đưa bé đến cơ sở y tế, nếu bé có các cơn đau dữ dội hoặc kéo dài hoặc có dấu hiệu mất nước thì nên đến cơ sở y tế sớm hơn.
Chăm sóc bé tại nhà
Sau đây là một số khuyến nghị đơn giản giúp mẹ chăm sóc bé khi buồn nôn hoặc nôn tại nhà.
- Theo dõi tình trạng mất nước: Bé bị nôn có thể gây ra mất nước của cơ thể. Dấu hiệu mất nước nhẹ bao gồm: miệng hơi khô, bé khát. Trường hợp mất nước vừa hoặc nặng mẹ cần đưa bé đến cơ sở y tế: Tiểu tiện giảm, thiếu nước mắt khi khóc, chân tay lạnh, khô miệng, mắt trũng, bơ phờ.
- Chế độ ăn uống cho bé:
Bé không bị mất nước có thể tiếp tục ăn một chế độ ăn uống bình thường. Nếu bé mất nước mẹ nhớ phải bù nước cho bé.
Bé sơ sinh bú sữa mẹ, mẹ nên tiếp tục cho bé bú, nếu bé nôn ngay sau khi bú, mẹ có thể cố gắng cho bé bú thường xuyên hơn và cho bé bú từng ít một. Nếu bé sử dụng sữa công thức, khi bé nôn ngay sau bú thì có thể ngưng 30 phút rồi thử cho bé bú lại.[2]
Đối với bé ăn dặm, mẹ cho trẻ ăn chế độ ăn như hằng ngày, đầy đủ các nhóm thực phẩm. Mẹ lưu ý không nhất thiết hạn chế chế độ ăn của bé, vì bé vẫn cần chất dinh dưỡng để đối phó với bệnh tật.
Theo dõi tình trạng mất nước và không ép bé ăn quá nhiều, đặc biệt 24 giờ đầu tiên.
Tránh cho bé uống các loại nước ép có hàm lượng đường cao và độ điện giải không phù hợp như táo, lê…
Nguồn:
- https://www.webmd.com/first-aid/vomiting-children#1
- https://www.drugs.com/cg/acute-nausea-and-vomiting-in-children.html
https://www.uptodate.com/contents/nausea-and-vomiting-in-infants-and-children-beyond-the-basics