Chức năng xác minh trong công tác kiểm toán

Chức năng xác minh trong công tác kiểm toán

Chức năng xác minh nhằm xem xét mức độ trung thực của tài liệu và tính hợp pháp của việc thực hiện các nghiệp vụ hay việc lập các bảng khai tài chính.

Qua nghiên cứu quá trình phát triển của kiểm toán chúng ta thấy rằng chức năng cơ bản nhất trong kiểm toán là xác minh hay chính là chức năng kiểm tra và thẩm định. Chức năng này gắn liền với sự ra đời và phát triển của hoạt động kiểm toán. Bản thân chức năng này của kiểm toán không ngừng phát triển và được thể hiện khác nhau tùy thuộc theo đối tượng cụ thể của kiểm toán là bảng khai tài chính hay nghiệp vụ cụ thể của một đơn vị hoặc toàn bộ tài liệu của đơn vị đó, tuỳ thuộc vào điều kiện lịch sử.

Như ta đã biết ngay từ thời kỳ sơ khai, khi chưa có của cải tích luỹ đã có chức năng xác minh, họ đã kiểm tra tài sản của họ đang có bằng cách buộc dây thừng, đánh dấu trên thân cây, đây là hình thức giản đơn của chức năng xác minh.

Khi lực lượng sản xuất phát triển trong xã hội có dư thừa, tích luỹ có tư hữu, có chế độ Nhà nước ra đời, những người cầm quyền sai khiến những người chuyên tâm vào kiểm tra để đọc lại cho nhà cầm quyền nghe, tức xác minh tài sản có đúng như vậy không.

Chữ viết ra đời, kế toán đơn ra đời ghi lại tài sản và hệ thống lại tài sản cho người cầm quyền, họ phải kiểm tra, đóng dấu trên tài liệu, xác nhận tính trung thực, lúc này chức năng xác minh được phát triển hơn trước.

Khi kiểm toán được chính thức công bố vào 1934, lúc này chức năng xác minh được kiểm toán viên thể hiện trên báo cáo kiểm toán theo mẫu quy định, và càng ngày báo cáo kiểm toán càng được hoàn thiện hơn. Qua đây ta thấy rằng chức năng xác minh vận động từ khâu sơ khai cho đến khi hoàn thiện.

Xác minh là hình thức kiểm tra sau khi các hoạt động tài chính đã diễn ra hay nói cách khác là kiểm tra số liệu, thông tin tài chính đã xảy ra trong quá khứ nhằm xác nhận tính đúng đắn, hợp pháp của tài liệu và số liệu kế toán, báo cáo quyết toán của các đơn vị kinh tế Nhà nước, các đoàn thể quần chúng, các tổ chức xã hội được các bên liên quan quan tâm.

Đối với các bảng khai tài chính việc thực hiện chức năng xác minh trước hết được thực hiện ở sự xác nhận của người kiểm tra độc lập ở bên ngoài. Ngay từ thời cổ đại những kiểm toán viên độc lập xác minh bằng cách ghi nhận 1 chữ “chứng thực” (Probateur) trên các bảng khai tài chính, cho đến nay do quan hệ kinh tế ngày càng phức tạp và yêu cầu quản lý cao hơn nên việc xác minh bảng khai tài chính cần có hai mặt là tính trung thực của các con số và tính hợp thức của các biểu mẫu phản ánh tình hình tài chính.

Ngày nay theo chuẩn mực của kiểm toán tài chính, chức năng xác minh này không chỉ còn biểu hiện bằng một chữ “chứng thực” nữa mà đã được chuyển hóa thành “Báo cáo kiểm toán” (Audit report).

          Trong chức năng xác minh của kiểm toán, một vấn đề  đặt ra rất sôi nổi hiện nay là phát hiện gian lận và sai phạm trong tài chính. Ở hầu hết các nước, vấn đề kiểm toán được đặt ra như những “Khác biệt về kỳ vọng” (expectation gap) giữa kiểm toán và quản lý. Sự khác biệt này có phần mang tính tất yếu do thường xuyên có khoảng cách giữa mong muốn phát hiện tất cả các gian lận và sai phạm với khả năng thực tế của tổ chức kiểm toán cũng như quan hệ giữa chi phí và hiệu quả kiểm toán. Tuy nhiên vẫn có sự chưa thống nhất giữa nhận thức và tổ chức. Cụ thể:

- Về nhận thức: kiểm toán cần tạo niềm tin cho những người quan tâm nên nói chung không cho phép có sai sót trọng yếu trong đó có sai sót và gian lận lớn, trong khi đó lại có quan niệm “kiểm toán viên không có nghĩa vụ phát hiện tất cả các sai sót”. Thậm chí còn có quan niệm “kiểm toán viên không có trách nhiệm phát hiện sai sót” và coi đây là trách nhiệm của nhà quản lý.

- Về tổ chức: trong ban hành chuẩn mực cũng thường không thống nhất song phương hướng chung là phải phấn đấu xóa bỏ dần sự tách biệt này. Tuy nhiên vấn đề quan trọng hơn cả chính là chất lượng toàn diện (kể cả phẩm hạnh và chuyên môn) của kiểm toán viên.

Bài viết liên quan