 |
Hãy nói: "Tôi tin tưởng ở bạn." |
Để thành công trong kinh doanh, bạn cần hiểu khách hàng của bạn muốn gì, và cung cấp cho họ những gì ho muốn; nói cho cùng, nhờ có khách hàng mà bạn mới kinh doanh được. Tương tự, cũng có thể nói như vậy trong việc quản lý. Thay vì học đủ thứ sách hay lý thuyết về Quản trị Dự án, đơn giản bạn chỉ cần hỏi nhân viên của bạn họ muốn được quản lý như thế nào. Sau hết, sự thành công của bạn tùy thuộc vào thành quả công việc của nhân viên bạn.
Trong nhiều năm, tôi luôn tìm hiểu sinh viên muốn gì từ tôi bằng cách sử dụng một thủ thuật đơn giản: tôi bảo họ liệt kê ra danh sách những giảng viên họ thích, cùng với lý do vì sao những giảng viên đó làm họ thích. Mặc dù sinh viên có thể hoài nghi về năng lực của họ, nhưng những giảng viên họ thích thì lại không bao giờ. Những giảng viên đó luôn có thể khuyến khích sự tự tin của các sinh viên đó bằng cách nói: “Em có thể làm được điều đó.”
Nhiều năm trước đây, một cô giáo ở trung học đã nói như vậy với tôi. Cô đã khuyến khích tôi khi tôi thật sự cần đến sự khích lệ đó. Lúc đó, tôi không giỏi Toán và cũng không thích các con số. Tôi thích Văn chương và bỏ nhiều thời gian đọc chuyện chưởng hơn là học Toán. Nhưng cô Lê đã giúp tôi học Toán bằng cách khuyến khích tôi làm nhiều bài tập, và cô còn phụ đạo cho tôi trước và sau giờ học giúp tôi có thể học tốt hơn. Một cách nào đó cô hiểu được rằng năng lực cao sẽ giúp tạo ra sự tự tin, và thế nên khi kết quả kiểm tra và thi Toán của tôi ngày càng tốt hơn, thì tôi cũng càng cảm thấy tự tin hơn. Đó là vào năm 1964, và lúc đó, tôi chẳng bao giờ mơ tưởng rằng tôi sẽ trở thành một khoa học gia hàng đầu ở một trường đại học nổi tiếng nhất nước Mỹ như ngày nay.
Năm ngoái, tôi có điều kiện trở lại Việt Nam và tôi nghĩ phải tìm gặp lại cô Lê để nói cho cô biết sự tin tưởng của cô cho tôi đã hoàn toàn thay đổi cuộc sống của tôi như thế nào. Thế là qua liên lạc với một số bạn cũ, tôi đã tìm được địa chỉ của cô. Tôi đến gặp cô và nghĩ chắc cô không còn nhớ mình nữa sau đến hơn 40 năm. Nhưng tôi đã nhầm, cô vẫn còn nhớ tôi. Cô đã quá 70 tuổi nhưng vẫn nhớ đến các học trò của mình. Cô nói “Gặp lại em thật là vui. Cảm ơn em nhiều là em vẫn còn nhớ đến cô sau ngần ấy năm.”
Bài học ở đây khá rõ, nếu bạn muốn người khác phát huy hết năng lực của họ, bạn phải biết TIN TƯỞNG ở họ.
Tôi tin tưởng rằng hệ thống giáo dục là cơ sở để đào tạo ra những nhà lãnh đạo tương lai, và vai trò của người thầy là giúp nhào nặn cách nghĩ của chúng ta và làm thay đổi cuộc sống của chúng ta. Nhiều người có thể không đồng ý với tôi và một số khác có thể than phiền là thầy cô của họ trước đây đã quá khắt khe với họ. Dĩ nhiên, khi còn đi học, chúng ta có thể không thích làm bài hay thi cử để được điểm này nọ, nhưng nghĩ lại thì những thầy giáo “khó tính” đó đã giúp chúng ta hiểu được chúng ta giỏi đến đâu. Họ đã giúp phát huy những tiềm năng mà có lẽ bản thân chúng ta cũng không biết là ta có. Nếu người thầy quá dễ dãi với học trò thì thường là do họ không quan tâm nhiều đến học trò. Vì vậy các “giáo viên dễ dãi” thường ít được tôn trọng, và chẳng ai nhớ đến họ vì họ không quan tâm mấy đến học sinh để đòi hỏi phải có sự xuất sắc. Họ để cho sinh viên của họ “học cho qua” bằng những bài tập và bài thi hết sức vụn vặt, dẫn đến chỗ một số sinh viên không có đủ các kỹ năng cần thiết để thành công và tương lai của họ trở nên mờ mịt. Có thể nói phải tốn nhiều công sức để có một giáo viên giỏi nhưng mọi tiến bộ lớn trong lịch sử nhân loại có được đều bắt nguồn từ những người luôn đòi hỏi sự xuất sắc (từ người khác).
Câu hỏi tôi muốn đặt ra đối với bạn là: Bạn có đang làm như vậy không? Bạn có đòi hỏi sự xuất sắc trong công việc từ nhóm phát triển của bạn không? Và bạn có mong đợi không gì hơn ngoài sự xuất sắc từ người khác hay không? Bạn có dành thời gian với các thành viên trong nhóm của bạn không, bạn có khuyến khích họ không, và hơn cả, bạn có tin tưởng ở họ không?